Georgia chỉ còn sót lại 5 ngọn hải đăng và 1 trong số đó trở thành trụ sở cho Bảo tàng Hải đăng St. Simons. Suốt hơn 100 năm, ngọn đèn nơi đây đã soi rọi mặt biển, đưa đường chỉ lối cho tàu thuyền vào khu cảng khuất gió của Eo biển St. Simons. Hải đăng đã được khôi phục vẻ tráng lệ, cộng hưởng với bức tranh tuyệt mỹ bao quát Quần đảo Golden cho ai leo lên nơi cao nhất công trình. Bảo tàng tựa như thước phim xúc tích về cuộc sống của người trông coi hải đăng cuối thế kỷ 19.
Tiến về phía tòa nhà xây gạch đỏ, ta sẽ được chiêm ngưỡng kiến trúc uy nghi của khu nhà dành cho người gác đèn. Bao quanh là hàng rào trắng xinh xắn và những cây thông cổ thụ cao lớn, tòa nhà dường như chẳng hề thay đổi so với thời điểm xây dựng vào năm 1872. Thiết kế đối xứng theo phong cách Victoria xuất sắc điểm tô cho tháp hải đăng cao 32 m phía sau. Hải đăng ban đầu được xây dựng vào năm 1810, nhưng tiếc thay đến năm 1862 lại bị lực lượng Liên minh phá hủy. Ngọn đèn biển và khu nhà của người gác đèn mà ta thấy ngày nay được xây năm 1872.
Bên trong khu nhà ấy là hàng loạt triển lãm của bảo tàng. Lịch sử Quần đảo Golden, rồi đến câu chuyện ẩn sau những ngọn hải đăng của Georgia, đều rất đáng khám phá. Có người ở lại xem buổi thuyết trình xoay quanh di sản công trình, nhưng cũng có người leo lên tầng 2, thăm thú nơi ở đã trùng tu. Ở khu vực này của bảo tàng, những món đồ nhuốm màu thời gian đã tái hiện diện mạo nhà ở dành cho người gác đèn vào cuối những năm 1800.
Đan xen chút thử thách là 129 bậc thang xoắn ốc phía trong tháp hải đăng. Ở trên đỉnh, thấu kính Fresnel cỡ ba nguyên bản có khả năng rải ánh sáng đi 37 km trên mặt biển. Từ đây nhìn ra, toàn cảnh Đảo Jekyll, đầu phía nam Đảo St. Simons và Cảng Brunswick đẹp không tả xiết.
Bảo tàng Hải đăng Đảo St. Simons nằm ở đầu phía nam đảo. Địa điểm có thu phí vào cửa, gồm phí tham quan bảo tàng, nhà ở của người gác hải đăng và tháp. Trẻ em được giảm giá. Bảo tàng mở cửa đến chiều muộn hằng ngày, riêng Chủ Nhật sẽ mở cửa trong ít giờ hơn. Ở đây có chỗ đỗ xe.